Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM không chấp nhận miễn học phần tiếng Anh đối với sinh viên có chứng chỉ IETLS - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nhiều phụ huynh, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM bức xúc việc người học đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS nhưng không được nhà trường chấp nhận, bắt phải thi và đóng tiền học tiếng Anh tại trường.
IELTS 7.5 vẫn phải đóng tiền học tiếng Anh tại trườngTheo phản ánh của sinh viên khóa 2024 Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, nhà trường quy định bắt buộc sinh viên phải học chương trình tiếng Anh tổng quát do trường tổ chức giảng dạy với mức học phí cao.
Các sinh viên cho hay nhiều bạn đã có chứng chỉ IELTS từ năm học lớp 12, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (được tính 10 điểm môn tiếng Anh), nên nghĩ lên đại học không cần phải học tiếng Anh nữa.
"Trường yêu cầu tất cả sinh viên đều phải thi khảo sát tiếng Anh đầu vào. Dù chúng tôi nộp chứng chỉ IELTS trường vẫn không chấp nhận, bắt buộc phải thi sát hạch lại.
Không rõ nhà trường khảo sát năng lực tiếng Anh kiểu gì mà không sinh viên nào thoát được, nhiều bạn có IELTS trên 7.0 đều vẫn không được miễn, mà phải đăng ký học để lấy ít nhất 1 - 2 chứng chỉ tiếng Anh trường cấp. Nên bạn nào cũng ‘kêu trời’ vì chuyện học tiếng Anh tại trường", sinh viên N. phản ánh.
Một trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh bất thườngĐỌC NGAYCũng theo sinh viên, nhà trường cho biết nếu học đầy đủ chương trình tiếng Anh tổng quảt của trường, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ English UTH do trường cấp.
Tuy nhiên sinh viên băn khoăn sau này ra trường nộp hồ sơ xin việc với chứng chỉ tiếng Anh của trường cấp có được các đơn vị khác chấp nhận như chứng chỉ IELTS hay không.
Trong khi các phụ huynh thắc mắc: "Các trường đại học lớn hiện nay đều chấp nhận cho phép sinh viên miễn học môn tiếng Anh nếu có chứng chỉ IELTS đạt chuẩn đầu ra theo quy định.
Con tôi vừa đạt IELTS 7.5 mà sau khi làm bài test tại trường vẫn phải học 2 chứng chỉ mất 12 triệu đồng.
Trường yêu cầu sinh viên phải học để tích lũy 6-8 chứng chỉ tiếng Anh của trường với mức học phí 2,4 - 6 triệu đồng/chứng chỉ. Không biết trường dựa vào đâu để xác định mức cao đến vậy?".
Thông báo thu học phí tiếng Anh tổng quát của nhà trường với học phí từng chứng chỉ có mức khác nhau. Sinh viên phải tích lũy đủ các chứng chỉ trên mới đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo quy định của trường.
Bắt buộc phải có trình độ tiếng Anh chuyên ngànhSáng 6-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về chương trình tiếng Anh của trường, ông Nguyễn Anh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM - giải thích sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh chuyên ngành phục vụ chuyên môn mới học được.
Nhiều ngành đặc thù của trường bắt buộc phải có trình độ tiếng Anh chuyên ngành như hàng hải, logistics vận tải... Đặc biệt là chương trình đào tạo của trường tích hợp các chứng chỉ quốc tế FIATA, IATA nên các tổ chức này đòi hỏi tiếng Anh chuyên ngành rất cao.
Đối với ngành cơ khí ô tô, trường liên kết với VINFAST, THACO... nên đòi hỏi tiếng Anh chuyên môn rất cao mới có thể tiếp cận công nghệ mới khi tham gia học kỳ doanh nghiệp.
Trong trường hợp sinh viên có chứng chỉ quốc tế thì trình để nhà trường đánh giá mức độ học tiếng Anh chuyên môn. Và tất cả sinh viên đều được trường đánh giá trình độ tiếng Anh đầu vào, từ đó sắp xếp lớp học tương ứng với trình độ.
Ví dụ năm 2024, kết quả đánh giá đầu vào có nhiều sinh viên đạt hết cấp độ tiếng Anh tổng quát (cấp độ 4/5). Nên sinh viên chỉ học phần cuối là tiếng Anh cho ngành giao thông vận tải (tiếng Anh UTH).
Tất cả các quy định đều được nhà trường công bố công khai và phổ biến đến sinh viên của trường.
Việc giảng dạy tiếng Anh tại trường 'giúp sinh viên tránh bị lừa đảo cấp chứng chỉ giả'Cũng theo ông Tuấn, từ khóa 2024, trường điều chỉnh chương trình tiếng Anh gồm 5 cấp độ cho cả hệ chuẩn và hệ tiên tiến, thay vì trước đây hệ chuẩn có 8 cấp độ, hệ tiên tiến có 6 cấp độ.
Thực tế tổng học phí không thay đổi, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thành chương trình tiếng Anh nhanh hơn để tiếp cận kiến thức chuyên môn sớm, cũng như có thể rút ngắn được thời gian học tập tại trường.
Tuy nhiên với các ngành đặc thù như hàng hải; kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; kỹ thuật môi trường (thuộc hệ chuẩn), mức học phí thấp hơn so với hệ tiên tiến, do khác nhau về điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình… và được nhà trường trợ giá nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của ngành giao thông vận tải cũng như chiến lược phát triển các lĩnh vực này của quốc gia.
Nhà trường cam kết mức phí này không thay đổi trong 3 năm liên tục như học phí áp dụng đối với từng khóa tuyển sinh.
Ông Tuấn cho biết thêm: "Việc giảng dạy chương trình tiếng Anh tại trường nhằm đảm bảo chất lượng, tránh các trường hợp sinh viên bị các hội nhóm bên ngoài lừa đảo cấp chứng chỉ giả, việc này đã diễn ra rất nhiều năm qua. Học phí mỗi khóa tiếng Anh của trường cũng thấp hơn ở ngoài rất nhiều, trường luôn áp dụng mức thu thấp nhất mà có thể tạo được điều kiện tốt nhất có thể cho sinh viên".